Vô ngã – Vô Thường

” Vô ngã – Vô Thường “
Trích: Sống chết Bình An – Sư Bà Hải Triều Âm toát yếu

Tại sao muôn loài sợ chết đến thế? Trong khi cái vật gọi là thây chết mà ta chúa sợ, lại chính là thân thể của ta, cái thân xác ta đang nâng niu yêu quý và đang cố gắng tối đa lo cho nó sống.

Lý do thứ nhất có lẽ vì ta không biết ta là ai. Ta tin tưởng ta có một cá thể riêng biệt. Phật khuyên ta hãy xét kỹ cá thể ấy.

Ta sẽ thấy nó là một tập hợp bất tận gồm đủ thứ: nào thọ, nào tưởng, sanh diệt triền miên, không mạch lạc, bốc đồng đa dạng mà tìm không ra được chủ nhân ông. Trên những mong manh tạm bợ ấy, ta nương tựa, cầu an ninh. Bị cuốn theo chiều gió vô minh, chúng ta bận rộn huyên náo. Bao nhiêu hoạt động lấp đầy ngày giờ.

Thật là bi đát, cái lối sống chẳng biết mình là ai. Tự gán cho mình một lý lịch không đâu. Ở trong một cảnh giới ảo hóa, không thực tánh, do nghiệp lực an bài. Bị mê hoặc bới ham thích xây dựng, chúng ta đã xây dựng cuộc đời mình trên bãi cát. Đang xây dựng hăng say thì thần chết giật sập sân khấu ảo tưởng.

Cái quay búng sẵn trên trời

Lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

Bao nhiêu những mong manh tạm bợ mà ta đã quen nương tựa bấu víu, nhất tề thành không. Một cái trống rỗng khủng khiếp đợi chờ. 

Cổ đức thường nói: Sanh ký, tử quy. Coi cuộc đời hiện tại là một quán trọ, con người là lữ khách đến để rồi đi. Có người nào không điên mà cứ đem hết tiền của, cẩn thận trang hoàng căn phòng khách sạn mình chỉ mướn có vài ngày đêm?

Chúng ta đã phí cả một đời để theo đuổi những hư vọng. Nhịp điệu đời sống rộn ràng đến nỗi không có thời gian nghĩ đến chân lý.

Loài người trọn đời lo lắng xếp đặt hết việc này sang việc khác chỉ để thình lình cái chết sập tới mà họ hoàn toàn không chuẩn bị. Chỉ ai hiểu rõ tánh mong manh của đời sống mới biết sự sống quý báu ngần nào.

Vô thường là cái duy nhất ta nắm được. Cái gì đã sanh sẽ chết, đã tụ sẽ tan, đã dựng sẽ đổ, đã lên sẽ xuống. Một tổng thể biến thiên làm nền tảng cho sự vật. 

Bạn có bao giờ biết được bạn sẽ nghĩ gì? Tâm ta quả thực trống rỗng, vô thường, phù du. Hãy để ý một tâm tưởng: nó đến và đi. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới. Ngay cái ý nghĩ ta vừa cảm nhận, nó đã thành dĩ vãng.

Hãy tự hỏi 2 câu: Ta đang chết, mọi người mọi vật đang chết, vậy đối xử với tất cả chúng sanh trong tất cả thời, ta có sẵn lòng bi mẫn không? 

Sự hiểu biết về vô thường nơi tôi đã cấp thiết đến độ tôi đang dành mọi giây phút để cầu giác ngộ chưa? 

Nếu trả lời “có” thì mới thực sự biết rõ lý vô thường. Quan sát lý vô thường, suy ngẫm về cái chết (tử tưởng) giúp chúng ta buông xả.

Chìa khóa hạnh phúc là tính giản dị. Do đây ta có đầu óc rảnh rang để lo sự nghiệp tâm linh.

5/5 - (5 bình chọn)

Viết một bình luận