Kim Xà Thánh Giả – Vô Nhất Đại Sư

Vo Nhat Dai Su Thich Thien Tam
Chân dung Kim Xà Thánh Giả – Thích Thiền Tâm Hoà Thượng

KIM XÀ THÁNH GIẢ

(Trích: Vô Nhất Đại Sư Thích Thiền Tâm, Một Cao Tăng Cận Đại – Soạn giả: BTG Bảo Đăng)

Đây là một tiết mục “đặc biệt” nhất trong quyển sách nầy, kể lại một vài việc trong số (rất nhiều) việc huyền bí của miền sơn cước linh thiêng mà cố Hoà thượng là người “chủ sự” và trực tiếp đương đầu trong suốt thời gian trên 20 năm ẩn cư tại đây tu tập.

Người đọc cần phải hội đủ lòng tin và dùng tâm trân trọng, chớ nên nói rằng: thời buổi khoa học nầy thì làm gì mà có các sự việc như vậy, hoặc là chừng nào tôi thấy thì tôi mới tin v.v…. Bởi vì đây không phải là cảnh giới của mình, không phải là công đức tu của mình, (tức là mình tu chưa đạt đến mức như vậy) thì làm sao thấy được, gặp được hay biết được mà nói là “thấy mới tin”.

(Chừng nào mình tu được như người, hành sự, lý được như người thì chừng đó mình cũng sẽ thấy, biết, có khi còn cao siêu, lạ lùng hơn nữa kìa).

Kinh dạy:

  • Nầy Thiện nam tử ! Tín tâm có hai thứ:
  • Một là tin – Hai là cầu.

Người dầu có tin nhưng chẳng thể suy cầu 4 nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

– Tín tâm lại có hai thứ: – Một là từ nghe pháp mà sanh lòng tin – Hai là từ tư duy 5 mà sanh lòng tin.

Tín tâm của người do nghe pháp mà sanh chớ chẳng phải do tư duy mà sanh nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

Tín tâm cũng có thêm hai thứ nữa: – Một là tin có thánh đạo – Hai là tin có người đắc đạo. Người dẫu tin có thánh đạo nhưng trọn chẳng tin có người đắc đạo, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ. Người mà tín tâm chẳng đầy đủ, thì thọ trì cấm giới cũng chẳng đầy đủ

(Đại Bát Niết bàn kinh – Phẩm Ca Diếp Bồ tát)

Nơi đây, trong phần nầy, người viết tôi muốn nhấn mạnh vào hai điểm quan trọng:

1/  Có rất nhiều người (tại gia lẫn xuất gia) mỗi khi nghe nói ở phương đó có một vị thượng tọa hay hòa thượng nào tu cao, đạt được vài ba sự phi thường (mà họ không bao giờ có được) thì họ hoặc là bĩu môi, hoặc là cười nhạo, chẳng những không tin mà còn nói lời bài bác rằng:

– Ối, đời nầy mà làm gì có việc đó chớ. Chỉ xạo mà thôi. (Họ chẳng tin có người đắc đạo mặc dù họ là người có đạo và đang tu theo đạo).

2/  Có rất nhiều người (tại gia lẫn xuất gia) mỗi khi nghe nói đến việc mộng (của các bậc thanh tịnh và chân thật tu hành, ẩn cư nơi núi rừng xa vắng) thì họ bĩu môi cười nhạo, chẳng những không tin mà còn nói lời bài bác rằng:

– Ối, ở đó mà tin theo các việc mộng mị. Tu không lo mà tối ngày cứ bàn chuyện mộng mơ làm như mê tín (!). Bảo Đăng tôi đã nhiều lần nghe thấy như vậy (mà lại là ở nơi người xuất gia nữa chớ) nên cũng lấy làm lạ lắm. Đành rằng cái việc mộng mị có khi do tư tưởng thái quá mà sanh ra, các loại nầy đa phần đều không thật – Nhưng cũng có các loại mộng do tâm thanh tịnh mà cảm thấy được, các loại mộng nầy hầu hết đều có thiệt và sẽ xảy tới trong tương lai, nhứt định là không sai chạy đâu hết, chỉ tại vì mình tâm bất tịnh nên không thấy biết trước mà thôi.

Xin đơn cử ra vài ba ví dụ:

a/  Bên đạo Tiên:

– Có nhiều vị tu tiên, do vì ẩn cư nơi chốn núi rừng thanh tịnh trải qua nhiều năm tháng nên thấy biết được chuyện quá khứ, vị lai – Như Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm, biết được chuyện 500 năm sau… mà không dám tiết lộ cơ trời nên làm ra sấm ký, nghĩa lý ẩn hiện chẳng rõ ràng, người đời không hiểu thấu, phải đợi khi chuyện xãy ra rồi thì mới rõ được.

 Có nhiều vị tiên khác biết được chuyện vài ngàn năm trước và sau, (các chuyện này có ghì rất nhiều trong sách vở) như Khổng Minh hồi đời Tam quốc thấy được chuyện 2000 năm sau.

b/  Bên đạo Phật:

– Đạo Phật ta còn huyền diệu hơn đạo Tiên chẳng biết bao nhiêu lần – Như trong kinh dạy, chỗ sở chứng của các bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật  thì con số thời gian mà qúy ngài thấy biết về quá khứ, vị lai, chỉ có thể dùng chữ vô lượng, vô biên, a tăng kỳ kiếp để diễn đạt mà thỏi – Như bậc A la hán, sự thấy biết của quý Ngài bao gồm 84.000 kiếp về trước và 84.000 kiếp về sau (mỗi kiếp là 16.500.000 năm, theo niên lịch của thế gian). Người Phật tử học Phật (và nhất là các vị xuất gia đều biết như vậy) chớ nên hoài nghi theo kiến chấp thiển cận của riêng mình mà
chê, khen, bài bác về việc MỘNG của bậc tu cao có tâm thanh tịnh mà cho rằng không thật rồi trề nhún, rẻ khinh – Ngay như đức Thế tôn là bậc đại giác như vậy mà khi còn làm Bồ tát (lúc tu 6 năm khổ hạnh),

– Ngài cũng nằm mộng thấy 5 điềm……..

– Vua Trần Nhân Tôn (là ứng thân của Phật Thích Ca Mâu Ni) cũng nằm mộng một lần.

– Ngài A Nan cũng nằm mộng thấy bảy điềm (A Nan thất mộng). Và trong kinh (Đại Bảo Tích), Phẩm Pháp hội “Tịnh Cư Thiên Tử”, đức Thế tôn cũng có dạy về mộng như sau:

– “Nầy Kim Cang Tồi, (là tên của một vị đại Bồ tát) ông nên lắng nghe, khéo suy nghĩ và nhớ lấy, nay ta sẽ vì ông mà nói : – Nầy Kim Cang Tồi, có một trăm lẻ tám tướng trong chiêm bao được thấy, hành giả cần phải biết. Những gì là một trăm lẻ tám tướng (chiêm bao)” ?

Do vì như vậy (và còn nhiêu nữa mà không thể nào kể ra cho hết được…..) nên chúng ta là những người học Phật chớ nên có quan niệm coi thường về các sự tu chứng, huyền bí và chiêm bao – (nhất là của các bậc đại sư tu hành thanh tịnh nơi chốn lan nhã) mà bị người đa văn và có học kinh điển cười rằng:  chỗ hiểu biết về giáo lý của mình chưa được thấu đáo !.

Sở dĩ Bảo Đăng tôi nói rào đón dài dòng như vậy, là vì trong quyển sách nầy, trước sau đã có đề cập đến nhiều điềm mộng của cố Hòa thượng, đặc biệt là trong đoạn “Kim Xà thánh giả” nầy (và trở về sau) ghi lại một vài giấc mộng lạ thường mà những người không ở trong hoàn cảnh ẩn tu, nhập thất, niệm Phật thanh  tịnh như ngài (kể cả luôn các vị xuất gla cao hạ nơi thành phố ồn ào chùa to, đình lớn nữa) cũng không thể nào thấu hiểu và cảm thông được cả.

Vậy, thế nào gọi là “Kim Xà thánh giả”?

Trước khi giải thích và đi sâu vào trong chi tiết của chương nầy, Bảo Đãng tôi xin ghi lại một đoạn sách có ý tượng tợ như sau để làm phần dẫn nhập:

– “Khu vực Lô sơn (là nơi trụ xứ của Liên Tông sơ tổ Huệ  Viễn Đại sư – Tổ thứ nhất trong số 13 vị tổ sư của Tồng Tịnh độ tại Trung Hoa) có rất nhiều rắn độc, từ trước đã từng làm nguy hại đến tánh mạng của dân cư ở vùng đó – Nhưng kể từ khi có ngôi chùa Đông  Lâm thì các loài rắn dữ ấy đều trở nên hiền lành, ngày lẫn đêm chúng thường vây quanh đại sư để nghe giảng kinh. Bởi trường hợp nầy, nên Đại sư được người đương thời tôn hiệu là “Bích Xà Thánh giả” (Mấy điệu sen thanh – Huệ Viễn Đại sư)

Nơi thôn Phú An nầy cũng thế (vào năm 1968 tức là 25 năm vê trước) và đặc biệt là tại chỗ ẩn tu của cố Hòa thượng, có rất nhiều loại rắn độc khác nhau, đã từng gây sợ hãi cho các cư dân người Thượng trong vùng, và cũng đã từng làm cho cố Hòa thượng của chúng ta phải bị giật mình “tí tí” vào những ngày tháng đầu tiên khi mới về “ghi danh” làm thường trú nhân tại đây. (Đã có kể một ít trường hợp trong phần trước của đoạn này rồi).

Kể từ khi cố Hòa thượng về đây ẩn cư tu tập, nhờ ở nơi đạo hạnh và sự tinh cần lễ niệm, trì tụng của ngài nên dần dần cảm hóa được các loài rắn dữ, chúng nó cũng nương theo đại sư tu tập lâu ngày nên cũng được linh thông (thành rắn thân).

Nơi miền rừng núi cao nguyên nầy, thường thì có rất nhiều gò mối lớn (đặc biệt của miền sơn cước), ban đầu thì cố Hòa thượng cũng tưởng đó chỉ là sự thông thường thôi, nên không lưu tâm cho mấy.  Chính cái thất mà ngài đang ở (Phương Lỉên thất) cũng nằm trên một gò mối lớn (mà ngài đã nhờ lính công binh ủi bằng) – Nhưng dần dần sống ở đây lâu, phần do người Thượng kể lại, phân do kinh nghiệm bản thân, nên ngài được biết chắc chắn một điều rằng tất cả gò mối đều là ổ hang của rắn cả, (rắn làm hang trong đó để ăn mối) gò mối càng lớn bao nhiêu thì rắn ở trong đó càng nhiều và càng to tướng bấy nhiêu (sống lâu năm lắm rồi).

Như vừa lược qua, căn tịnh thất của ngài ở được xây cất trên một gò mối lớn (đã được san bằng) vì vậy nên có nghĩa là trên mặt đất thì cố Hòa thượng của chúng ta ở, còn dưới mặt đất là rắn ở (mà ngài không biết).

 Hay nói một cách khác hơn nữa là cố Hòa thượng đã vô tình “sống chung hòa bình” với cả đống rắn độc mà không hay biết chi hết. Sở dĩ các con rắn nầy nó không làm hại chi đến ngài là vì cứ mỗi tối, khi ngài niệm Phật, trì chú, hoặc lễ bái, sám hối, tụng kinh v.v…thì các “y ta” nằm im ở dưới nền nhà, hoặc là bò lên mặt đất, rồi ẩn hình nằm tại chỗ để nghe và tu theo. (Đây là lý do vì sao mà khi ngài mới dọn về – như đã có lược qua trong phần trước – là ở dưới chân giường cầu thang…..bỗng nhiên có rắn xuất hiện, con nào con nấy cũng dài đến cả mấy thước, to bằng bấp vế, nằm một đống đen thui trong cốc mà ngài không hiểu vì sao nó lại vào thất được, trong khi ngài đã đóng cửa nẻo kỹ lưỡng hết rồi).

Nhờ tu theo bằng cách “dựa hơi hòa thượng” như thế – nhất là một đại hòa thượng, tôn sư về mật tông và tịnh độ nữa – Trải qua nhiều tháng, năm nên  ác “ông dài” nầy dần dần trở nên linh thông biến hóa được (một năm tu theo cách “dựa hơi hòa thượng” nầy bằng cả ngàn năm tự tu một mình). Do vì thầm cảm được cái ơn trọng đại đó, cho nên các “y ta” kính lễ cố Hòa thượng như bậc cha, thầy, còn các “y ta” thì giữ bổn phận của con, cháu hay đệ tử – Vì thế nên từ đó về sau các loài rắn nầy trở nên hiền hòa, chẳng những nó không làm cho ngài bực bội hay gây thương tổn chi, mà trái lại còn âm thầm theo bảo vệ cho “Sư phụ” nữa.

(Cũng nhờ đức độ của ngài nên mới cảm hóa được hàng dị loại như thế. Chớ nếu láu táu như mình vậy thì nó cắn cho một cái, bảo đảm 100% là “hội nhị tỳ” và “chầu Diêm vương” là cái chắc).

Và cũng kể từ đó trở đi, vùng đất hoang vu trước kia dần dần trở thành ra là một “miền linh địa” (đất linh), đêm đêm đều có tiếng niệm Phật, tụng kinh cùng với tiếng  Mỏ, chuông
nhặt khoan, trầm bỗng… chớ không còn đượm vẻ hoang sơ, tiêu điều như thuở trước.

Hỏi: Có chứng cớ gì cho thấy là các lời vừa nói ở trên đúng sự thật như vậy hay chăng?

– Đương nhiên là phải có chứng cớ đầy đủ, nên cố Hòa thượng mới biết đích xác như vậy, chớ nếu không thì ngài cũng chẳng thể làm sao rõ thấu mấy cái cảnh giới bí ẩn nầy được cả.

Sau đây là một vài chuyện liên hệ mà khi còn sanh tiền, cố hòa thượng đã tự thân kể lại (cho ni sư Thanh Nguyệt và cháu là ĐĐ. bổn sư Thích Hảỉ Quang nghe):

 Có lần đó, cố hòa thượng đang ngồi làm cỏ tranh và xới đất bên cạnh một gò mối lớn ở phía sau thất (Phương liên) của ngài – lúc ngài quơ tay ra sau lưng để cầm cuốc thì ngài lấy làm lạ mà nói trong bụng rằng:

– Ủa, sao bửa nay cái cán cuốc có vẻ là lạ và bự quá vậy? Ngài mới quay đầu ngó lại thì té ra là mình đang nắm nhằm cần cổ của một con rắn to bằng bắp chân người lớn, màu đen có sọc vàng, rắn ta vì bị nắm cổ nên hả miệng, le lưỡi ra khè khè năm sáu tiếng (chắc là bị nghẹt cổ) làm cho ngài hết hồn vội vã buông tay ra và bước lùi lại phía sau, niệm Phật cả mấy chục  câu mới định thần được. Xong rồi ngài đứng ngó y ta một lúc và nói rằng:

– Ủa, nhà ngươi ở đâu mà ra đây, nằm sau lưng ta hồi nào vậy? Thôi hãy đi đi, (ngài lấy tay xua, khởi ý đuổi đi). Rắn ta cũng ngó ngài một hồi, gật đầu mấy cái (giống như xin lỗi) rồi bò ra phía sau gò mối, ngài đứng ngó theo xem nó bò đi đâu cho biết nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy tăm hơi gì hết, ngài mới nghĩ:

– Ủa, bộ nó còn nằm gần đây sao mà không thấy bò đi đâu hết vậy kìa?

Đoạn ngài mới đi vòng quanh gò mối, tìm kiếm mấy lần mà cũng không thấy y ta đâu hết, bỗng dưng mà nó biến dạng mất tiêu như là khói vậy – Tìm hoài mà cũng không thấy có cái miệng hang (rắn) nào hết.

Khuya lại, sau thời khóa trì niệm (gần 4 giờ sáng) ngài đang ngồi trên ghế bên cạnh bàn viết nghỉ mệt, định bụng chút nữa sẽ pha cà phê uống thì nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa. Ngài lấy làm lạ, trong bụng nghĩ rằng:

Ủa, giờ nầy còn sớm quá mà sao Thượng lại tới gõ cửa vậy kìa? (Bởi vì mỗi buổi sáng mấy người Thượng ưa tới gõ cửa thất của cố Hòa Thượng để hỏi việc làm như là cuốc đất phát cỏ hoang và lên giồng tròng khoai, sắn v.v….. Mỗi lần như vậy là ngài ra mở cửa thì mấy người Thượng ấy hỏi rằng:  Bửa nay thầy có việc gì cho tụi tôi làm không?

Và nếu như có việc gì cần thì ngài chỉ cho họ làm, xong rồi trả tiền cồng cho họ). Bửa nay nghe gõ cửa (còn khuya quá) nữa nên ngài cũng nghĩ chắc là người Thượng đến xin việc làm như mọi hôm vậy.

Ngài mới đứng lên, đi ra mở cửa thì thất: Bên ngoài, trước thất của ngài là hai người Thượng một nam, một nữ, tuổi chừng 50, dung mạo rất đơn sơ, mặt mũi sần sùi, da dẻ đen đúa, cả hai đều mặc quần áo màu chàm trông cũng rất sơ sài, đầu hơi nhọn, đi chân đất (không có dép, giày gì hết), bàn tay nhám nhúa giống như có vảy, đang chắp tay, cúi đầu chào ngài, miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật.

Ngài nghĩ bụng: – ủa, hai người Thượng nầy ở đâu đến mà thấy lạ mặt, mình ở đây cũng đã lâu rồi mà chưa quen với hai vợ chồng nầy. Coi họ có vẻ nghèo và giống như bị bịnh mới hết ! Thôi để ta giúp cho họ việc làm – ủa, mà sao hai người Thượng nầy lại lễ phép quá, biết chắp tay chào và niệm Phật nữa?

Ngài hỏi:   Phải hai vị đến xin việc làm hôn?

Hai người ấy đáp:

– Mô Phật, Kính bạch Hòa Thượng không.

– Ủa, vậy chớ có chuyện gì cần không mà gọi cửa tôi sớm quá vậy?

Người đàn ông đáp:  Bạch Hòa thượng, hai vợ chồng con đến đây để xin lỗi Hòa thượng về chuyện đáng tiếc ban trưa, có đứa cháu nội đã làm cho ngài giật mình. Xin Hòa thượng từ bi tha lỗi và cho vợ chồng con sám hối.

Cố Hòa thượng lấy làm kỳ, trong bụng nghĩ rằng: Ủa, chuyện gì mà họ xin lỗi và sám hối kìa, lạ hôn, từ hôm qua đến nay mình có gặp hay thấy đứa nhỏ nào đâu mà họ lại nói như vậy. Nghĩ thế nên ngài mới hỏi:

– Cháu nội của hai vị hả, hồi nào, nó bao nhiêu tuổi? Tôi nhớ suốt cả ngày hôm qua có gặp đứa cháu nào đâu!.

Người đàn bà đáp:

– Kính bạch Hòa thượng, cháu trai của con là đứa bé hôm qua mặc áo quần đen có sọc vàng nằm hầu phía sau lưng của ngài lúc ngài làm vườn đó.

Ngài mới hỏi (mà trong bụng cũng chưa nhớ rõ ra là ai, bởi vì đâu có đứa nhỏ nào mặc áo quằn đen, sọc vàng theo hầu sau lưng mình suốt ngày hôm qua đâu):

– Vậy hả, cháu bé bao nhiêu tuổi?

Người đàn bà đáp:

– Kính bạch Hòa thượng, cháu được 95 tuổi!!!

Cố Hòa thượng của chúng ta giật mình, sảng sốt hỏi tiếp:

– Ủa, cháu nội mà được 95 tuổi thì hai vị đây bao nhiêu tuổi?

Người đàn ông đáp:

– Dạ con được 842 tuổi và vợ của con 760 tuổi !

Đến đây thì Hòa thượng đã rõ biết họ là ai rồi, nên ngài mới hỏi tiếp:

– Hai vị ở đâu tới đây?

Người đàn ông thưa:

– Bạch Hòa thượng, chúng con ở Huỳnh Xà thôn nằm về phía Đông của thôn Phú An nầy cách nơi đây khoảng 9 cây số, gia
đình con có khoảng một ngàn người.

Vừa nói tới đây thì người đàn bà nắm lấy tay của ông chồng dặt dặt mấy cái như ra hiệu đừng nên nói nữa (chắc sợ bị lộ tông tích) làm cho người chồng mới nói đến câu: khoảng một ngàn người….thì làm thinh luôn.

Cố Hòa thượng gật đầu nói:

– Thôi hai vị yên lòng về đi, không sao đâu.

Nghe ngài bảo như vậy thi hai vợ chồng người nầy đồng chắp tay cúi chào rồi quay lưng đi vòng ra sau thất của ngài. Hòa thượng mới nom theo xem họ đi đâu và làm thế nào cho biết, thì ngài thấy khi họ ra đến phía sau rồi, cả hai người đồng hóa ra hai luồng ánh sáng màu vàng nhạt lớn bằng cườm tay, bay bỗng lên không về hướng Đông đi mất (giống như ông đi, bà xẹt vậy).

Do đó nên ngài biết rằng:

– Đứa bé 95 tuổi mặc áo đen, sọc vàng là con rắn đen có vằn vàng ngày hôm qua đã làm cho mình hết hồn !

– Hai vợ chồng nầy là rắn chúa (chúa động).

Hang Ổ chánh của họ nằm về hướng Đông của ấp Phú An, cách đây 9 cây số có tên là “Huỳnh Xà động” (động rắn vàng).

 Chắc có lẽ họ mới biết biến hình nên dung mạo còn thô sơ chớ chưa được đẹp người. Và hơn nữa chắc mỗi đêm họ ít nhiều gí đó cũng có đến đây nghe kinh và tu theo mình nên mới có vẻ kính trọng mình và biết chắp tay niệm Phật như vậy

Đây là một chuyện. Và khởi đầu cũng do nơi chuyện nầy cho nên Bảo Đăng tôi (bắt chước theo chuyện của Liên Tông sơ tổ, Huệ Viễn Đại sư ở Lô Sơn ngày xưa) mệnh danh cho cố Hòa thượng Tôn sư hiệu là:

“KIM XÀ THÁNH GIẢ”

(Giống như Bích Xà Thánh giả của Lô sơn Liên Tông – sơ tổ, Huệ Viễn Đại sư vậy).

Kế tiếp theo đây, Bảo Đăng tôi xin kể hầu cho qúy vị nghe thêm một vài chuyện nữa có liên quan đến hai vị “Kim Xà Vương” nầy và “Kim Xà Thánh giả”, Vô Nhất Đại sư của chúng ta:

– Nguyên gần 10 năm về trước, lúc cố Hòa Thượng còn nhập thất ở Bến Tre, ngài có quen với một vị tu sĩ tên là “Ông sư  Mỏ Cày”. Sở dĩ gọi là ông sư  Mỏ Cày bởi vì vị nầy tuy có hình tướng một nhà sư Phật giáo, nhưng thật ra là một người đạo sĩ tu tiên luyện điển theo phương pháp xuất hồn, địa danh (tên của vùng đất) nơi ông sư nầy ở tu tên  Mỏ Cày, vì thế nên mọi người và luôn cả cố Hòa thượng nữa cũng gọi tên ông sư  Mỏ Cày mà thôi chớ không ai biết được tên thật của ổng là chi hết. Ông sư nầy rất kính qúy cố Hòa thượng qua phong cách và đạo hạnh của ngài, nên thỉnh thoảng cũng có đến viếng thăm và kể lại cho ngài nghe vê một vài việc chứng đắc trong đường tu (tiên) của mình, còn cố Hòa thượng thì cũng có chỉ dẫn thêm
cho sư một vài pháp tu bổ túc, vì vậy mà sư có một sự mang ơn ở nơi cố Hòa thượng.

Lúc ngài về Sài gòn và làm Đốc giáo ở Phật Học viện Huệ Nghiêm rồi thì sư cũng có đến thăm một lần, đến khi cố Hòa thượng lìa Huệ Nghiêm để ẩn tu thì hai đàng biệt nhau. Mãi đến mấy năm sau, sư mới tìm được lên Đại Ninh (trước sau hai lần) để thăm cố Hòa thượng – và rồi sư qua đời vào mấy năm sau đó.

Lần đầu tiên sư lên thăm cố Hòa thượng vào năm 1970 (lúc đó thì ngài không còn ở Hương Quang thất nữa, mà đã dời về thất mới là Phương Liên tịnh xứ rồi) và được Hòa thượng cho phép ở lại thất của ngài vài ba hôm để đàm đạo giáo lý và tu tập (Sư thọ giáo mật tông từ nơi cố Hòa thượng).

Qua đêm đầu tiên, sáng lại sư có thưa với cố Hòa thượng rằng thất của ngài đang ở tu nằm trên miệng hang của một động rắn “Kim xà” rất lớn và xin Hòa thượng hãy cẩn thận vì đây là các loại rắn thần con nào con nấy cũng sống trên mấy trăm năm hết. Cố Hòa thượng gật đầu, nói với sư là ngài đã biết việc đó từ lâu rồi (và cũng có kể lại cho sư nghe về vài ba chuyện của các Kim xà nầy – giống như Bảo Đăng vừa kể cho qúy vị nghe vậy), từ đó sư càng thêm kính phục cố Hòa thượng lắm.

Qua ngày kế đó, sư nằm ngủ và xuất hồn ra đi “thăm” xà động nầy, khi thức dậy sư có thưa cùng ngài như sau:

– Nguyên từ mặt đất của nền thất Phương Liên đi thẳng xuống dưới (lòng đất) sâu 800 thước có một động rắn lớn, trong đây có khoảng 200 “ông dài” đều sống từ hơn 100 cho đến gần 1000 tuổi hết. Động nầy có đường (hầm) thông qua 3,4 động khác nữa – Chúa tể của tất cả các động rắn nầy là một đôi Xà Vương (rắn chúa) màu nữa đen, nữa vàng và đều đã được trên một ngàn tuổi rồi – Cặp Xà Vương nầy hiện đang ở ngay dưới nền thất của cố Hòa thượng cùng với các con cháu, mỗi đêm đều nghe ngài niệm Phật, trì chú và tu theo cho nên biết biến hóa và đồng thờ cố Hòa thượng làm thầy để nương theo tu tập.

Sư kể tiếp rằng, khi sư xuất hồn ra gặp hai vị Xà vương động chúa nầy rồi thì mấy vị đó có nhờ sư về thưa lại với ngài là họ muốn được quy y Tam Bảo để cho được sớm thoát khỏi kiếp rắn, họ cũng nói rằng trước kia họ chỉ có sống lâu thôi chớ không biết phương cách tu hành (vì rắn lột da cho nên sống lâu lắm), cứ ban ngày thì ngó mặt trời, ban đêm thì ngó theo trăng, sao (tu theo phép luyện âm dương nhị khí) nên mặc dù sống hơn cả ngàn năm rồi mà vẫn không sao biến hóa được. Từ khi cố Hòa thượng về ở đây tu, mấy năm trôi qua cũng nhờ nương theo oai lực chú ấn và câu niệm Phật của Hòa thượng mỗi đêm, cho nên nay đã bắt đầu biến hóa được rồi và thân mình cũng đã
đổi từ màu đen ra màu hơi vàng (tức là từ Hắc xà vương chuyển dần qua Kim xà vương). Hiện thời thì hai vị đó đang cùng với các quyến thuộc đều ẩn hình ở tại
đây để tu và ngầm bảo vệ cho ngài là bậc đại sư của họ.

Hòa thượng gật đầu và nhờ sư xuất hồn ra chuyển lời lại cho các vị Xà thần nầy biết là hôm sau Hòa thượng sẽ truyền phép Tam Quy (Quy y Phật, Pháp, Tăng – Tam Bảo) để cho họ được dự vào hàng Phật tử.

Và sư làm theo lời ngài dạy.

Hôm sau, Hòa thượng đắp y, hậu ngồi trên pháp tòa bày sẵn giữa tịnh thất, trì chú và bắt ấn Triệu thỉnh, chỉ đích danh 2 vị Xà vương chúa động Huỳnh xà thôn (với sự hiện diện của sư  Mỏ Cày) gọi về. Liền sau đó ngài thấy trước mặt mờ ảo ẩn hiện ra hai vị xà thần bò vào và hiện hình ra hai người một nam, một nữ trong lứa tuổi khoảng ngoài 60, cả hai đều mặc áo ngắn màu vàng luốc, quỳ trước mặt chắp tay cúi đầu phụng mạng.

Hòa thượng mới thuyết Tam quy cho nghe và kế đó là quy y cho họ cùng các quyến thuộc, đốt chú ấn (mà ngài đã vẽ sẵn trên giấy vàng) để pháp thí cùng rải nước cam lồ xoáy tịnh, chú nguyện cho họ sau khi thoát kiếp rắn đều được sanh thiên, y như Phật pháp tu hành.

(Kể từ đây ngoài các đệ tử thuộc vè nhơn đạo ra, ngài còn có thêm các đệ tử thuộc vè thần đạo và súc đạo nữa – việc làm nầy những tăng ni (lục lục thường tài) chỉ biết tụng kinh niệm Phật, cầu phước qua ngày, không lòng tin, không tu Mật tông và không có cảm ứng đạo giao với cảnh giới vô hình đều không thể nào hiểu thấu được cả). Ngoài ra cố Hòa thượng cũng
còn có quy y cho chư thần địa phương như thổ thần, sơn thần, thọ thần v.v…. Các vị nầy cũng đều đồng nương theo ngài để tu tập hết.

Đến năm 1974, Sư  Mỏ Cày có lên thăm cố Hòa thượng một lần nữa và ở cùng với ngài một tuần lễ – Sư có thưa cùng với cố Hòa thượng mấy điều sau:

1/  Về tình hình đất nước vào năm tới (1975) sẽ có một sự “đổi đời” rất lớn, vô số người chết… (tức là biến cố tháng 4 năm Ất Mão 1975).

2/  Sư có xuất hồn ra gặp lại các xà thần, điều đặc biệt nhất mà sư thưa cùng với cố Hòa thượng là cặp Xà vương Động chúa Huỳnh xà thôn, mấy năm qua nhờ được quy y Tam bảo và tu theo phép của ngài truyền cho (đốt nghi thức tu để pháp thí) khi trước nên bây giờ đều được biến hóa linh thông, từ nơi Hắc xà vương nay đã chuyển ra thân Kim xà vương (Rắn chúa màu vàng) và thường hay biến thành hình sư tăng mặc áo vàng, mỗi đêm đều có đi kinh hành niệm Phật chung quanh thất của Hòa thượng hầu hạ và bảo vệ cho ngài trong tất cả mọi hoàn cảnh (để báo đức tôn sư).

Mấy đêm sau, qua sự trung gian của vị sư Mỏ Cày, ngài mới cho triệu hai vị Chúa động nầy về.
Đêm đó, cố Hòa thượng chiêm bao, thấy như sau:

– Bên ngoài có hai vị, một tăng, một ni đều mặc áo vàng đi theo sau sư  Mỏ Cày vào trong thất quỳ xuống cung kính đảnh lễ. Ngài hỏi là ai và từ đâu đến?

Hai vị ấy thưa:

– Bạch tôn sư chúng đệ tử là động chúa Huỳnh xà thôn, nghe lịnh triệu thỉnh nên về phục mạng.

Hòa thượng truyền cho đứng dậy thì thấy hai vị ấy thân tướng cũng quang minh, thần sắc sáng sủa, nghiêm chỉnh, trên trán mỗi người đều có chữ Vạn màu đỏ, trước ngực mang một xâu chuỗi lóng lánh hào quang.

Ngài hỏi vì sao hai con lại có được các món pháp bửu nầy?

Hai vị ấy thưa:

– Bạch tôn sư, chữ Vạn nầy là nhờ nơi quy y Tam Bảo mà có, còn xâu chuỗi nầy là do công tu tập mà thành – Bất cứ người nào (ý nói là xà thần) ở gần và
tu theo tôn sư 3 năm đều cảm hiện ra được cả. Trong hàng quyến thuộc của con hầu hết đều được chuỗi nầy.

– Kể từ khi chúng con có 2 món bửu bối nầy (chữ Vạn là một, xâu chuỗi pháp bảo là hai) trên người rồi thì mỗi khi chúng con đi dạo chơi đến nơi nào cũng đều được chư thần ở địa phương đó kính trọng, nhường đường và gọi chúng con là Phật tử.

Hòa thượng gật đầu thuyết pháp cho nghe cùng khuyên nhắc tu hành. Các vị ấy đều lạy tạ ơn và biến mất.

Mấy hôm sau “Sư ông Mỏ Cày” ra về và có thưa với cố Hòa thượng rằng:  Lần nầy là lần cuối cùng gặp nhau. Sang năm (1975) sư sẽ dời về vùng núi Thất Sơn ẩn tu và sẽ tịch vào năm 1980, không còn có dịp gặp lại ngài được nữa.

(Còn Hòa thượng thì tịch 18 năm sau – Ngày mở cửa mả của ngài, hai vị Kim xà đệ tử nầy có đến hiện hình ra là hai con rắn màu vàng rực rỡ bò lại trước đầu mộ của ngài một chốc rồi mới bò vào trong đám cỏ tranh và biến mất, hết cả mọi người hiện diện trong buổi lễ hôm đó đêu thấy rõ ràng – Bên Việt Nam chỉ trừ có độc nhất một mình ni sư trưởng tử Thanh Nguyệt (và bên Mỹ là Đại đức bổn sư Thích Hải Quang) là biết rõ căn cội của cặp rắn nầy mà thôi – ngoài ra không một ai hiểu thấu vì sao mà lại có đôi kim xà nầy xuất hiện đúng vào ngày “mở cửa mả” của cố Hòa thượng – nên đều có ý nghi ngờ. Đây là chuyện sau).

Sau năm 1975, có một vài vị tăng sinh của Phật Học Viện Huệ Nghiêm lên Đại Ninh thăm cố Hòa thượng và ngụ ở ngoài tu viện Hương Nghiêm, nửa đêm thức giấc (đi tiểu) ở phía sau (nhà cầu), sáng dậy nói với mấy thầy nơi tu viện rằng:

– Cha chả, ông già của tụi mình tu hành tinh tấn ác ôn !

Mấy thầy Tu viện hỏi:

– Sao biết là ông già tu hành tinh tấn ?

Khách tăng trả lời rằng:

– Hồi hôm nầy lúc 2 giờ khuya, tôi thức dậy đi tiểu, lúc trở vào, ngó qua bên thất của ông già thấy ổng vẫn còn mặc hậu đi kinh hành ở ngoài lan can trên lầu thất của Ổng, nên biết rằng ông già tu hành suốt cả đêm, tụi mình thiệt không bằng. (nhưng thật ra thì người mặc áo vàng đi kinh hành chung quanh lều đó không phải là ngài đâu, mà chính là một trong hai vị Kim xà vương đệ tử hiện hình tăng tướng đì vòng quanh thất để bảo vệ cho “, Sư phụ” của mình được an lành nghỉ ngơi và tu niệm).

Đến đây, trước khi qua một chương khác, Bảo Đăng tôi xin kể hầu quý vị thêm một vài chuyện ngắn khác nữa (trong số rất nhiêu chuyện mà Bảo Đăng được nghe từ nơi Đại đức hổn sư) như sau:

– Một lần khác, quý thầy bên Tu viện (Hương Nghiêm) dọn đất trồng lúa, bắp – nên gom các cỏ tranh, chà, bổi vừa mới làm xong lại thành một đống lớn để trên gò mối gần đó, đốt bỏ. (Hôm ấy cố Hòa thượng ngó qua, thấy thế ngài mới rầy, bảo là đốt như vậy lỡ chết côn trùng mang tội – Sau này Đại đức bổn sư cũng bị ngài rầy hết mấy lần (vê việc tương tợ như vậy) vì đốt rác ẩu ở trên gò mối).

Khuya lại, sau khóa lễ (gần 1 giờ sáng) ngài chuẩn bị đi ngủ thì nghe có tiếng khóc ở phía trước cửa – Ban đầu ngài tưởng đâu vì mình sớn sác nên nghe lầm, nhưng khi lắng tai nghe kỹ lại thi rõ ràng là tiếng con nít khóc chớ không sai chạy chút nào hết, ngài mới mở cửa ra đứng bên ngoài nhìn chung quanh để tìm, đêm đó nhờ có trăng tỏ cho nên chỉ một chút sau thì ngài thấy ở dưới gốc mít phía trước thất có một đứa nhỏ đang ngồi khóc và có vẻ đau đớn lắm. Ngài lại gần hỏi con là ai, sao ngồi khóc vậy, lại đây thầy biểu coi, (ghê quá).

Đứa nhỏ đứng dậy bước ra, đó là một em bé trai khoảng 5, 6 tuổi gương mặt cũng dễ coi, mặc áo màu xanh (chắc là rắn lục), lại gần cố Hòa thượng nói con bị phỏng hết cả lưng, đau rát lắm.

Ngài hỏi vì sao mà bị như vậy ?

Bé đáp:

– Hồi trưa nầy con đang nằm ngủ thì bị lửa ở đâu đốt cháy, vì ngủ mê nên không hay, đến khi nóng quá, giật mình thức dậy thì chạy không kịp nên cả lưng
bị phỏng hết (lửa của mấy thầy đốt gò mối), xin tôn sư từ bi cứu độ.

Cố Hòa thượng vừa nghe nói vậy thì ngài biết “Bé” nầy thuộc vê giống gì rồi, nên ngài có lòng thương, dẫn nó vào trong cốc, lấy chung nước cúng Phật trên bàn thờ xuống trì chú (A Di Đà Cam lộ Chơn ngôn) vào nước một hồi rồi rải trên lưng của nó, xong ngài mới bảo bé rằng thôi con vê đi, không sao đâu mai sẽ lành.

“Bé” lạy tạ ơn, ra khỏi cửa rồi biến mất.

Đêm sau ngài nằm chiêm bao thấy có một người đàn bà chắc là “má mì” dắt nó đến cám ơn, trong mơ thấy nó hết khóc rồi và cười nói vui vẻ

Một câu chuyện khác:

– Nơi cốc Phương liên 2 (có hai thất Phương liên, thất 1 là của cố Hòa Thượng ở – thất 2 là của ni sư Thanh Nguyệt cất cho thân phụ ở – Còn ni sư thì ở tại thất Bạch Vân), phía sân trước có một gò mối lớn bằng 5, 6 chiếc đệm, trên có tre gai mọc, choán cả một khoảng đất rộng. Đã mấy lần ni sư muốn đốn bỏ, dọn dẹp cho có đất trống để trồng bắp, đậu, nhưng hễ ai vừa tới gần gò mối, định đôn cây, phát cỏ thì đều cảm thấy xây xẩm mặt mày và nhức đầu hết. Riết rồi mấy người Thượng (làm mướn) sợ quá, đứng ngoài xa chắp tay xá xá vào gò mối thôi, chớ không dám đến gần nữa.

Họ nói chúng tôi không dám đâu, trong đó có thần thánh ở đừng đụng chạm đến mà chết.

Mấy năm trôi qua rồi mà gò mối cũng không sao phá được. Đối cùng ni sư mới đem chuyện nầy trình lên cố Hòa thượng xin giúp đở vì rất cần đất trống để trồng trọt hoa mầu. Lúc ấy cố Hòa thượng chưa bế quan, nghe vậy nên ngài mới vào xem tự sự Sau khi làm phép và chú nguyện xong rồi, đêm đó ngài nằm mơ, vía thấy đi vào trong thất Phương liên 2, lại gần chỗ gò mối, chỉ tay vào trong bụi tre, bảo:

 Vị nào trong đó hãy đi nơi khác ở, để đất trống cho chư ni trồng trọt, sinh sống và tu hành. Nói xong một lát sau thì ngài thấy từ trong gò mối và bụi tre gai có một con rắn màu đỏ, to bằng cây cột nhà (chắc là rắn lục lửa) bò ra ngó ngài một hồi, đoạn gật đầu mấy cái rồi xuống sông đi mất.

Sáng ra ngài nói cho ni sư nghe và bảo rằng gò mối nay đã phá được rồi….Trước sự hiện diện của ngài mấy người Thượng mới dám đến đốn tre và bang bằng gò mối. Bấy giờ mới khám phá ra một việc hi hữu, ấy là trong gò mối nầy có một bụi “Đơn quy” rất lớn (là một vị thuốc bắc đặc biệt bổ máu – bòi bổ tổng quát) rất quý báu, củ to bằng bắp tay, bắp chân (mấy trăm năm rồi nên củ mới lớn như vậy) – nhiều đến nỗi đem về phơi cả mấy chiếc đệm mới hết.

Cố Hòa thượng nói với ni sư rằng:

– Hèn chi mà không ai phá được cái gò mối nầy hết. Té ra vì trong đó tàng ẩn vị thuốc quý nầy nên mới có rắn thần canh giữ. Đây cũng là cái duyên của con đó, hãy giữ kỹ mấy củ đơn quy nầy mà dùng từ từ. Sau nầy con còn nhờ nó lắm. (Quả thật vậy, nhờ uống đơn quy nầy mà ni sư từ từ hết bịnh phong thấp và sốt rét rừng – sau phát ra tướng mập mạp, to con và hồng hào tựa như Di Lặc Bồ tát – (Đây là lời của một Phật tử từ bên Mỹ về thăm ni sư, khi trở qua kể lại cho Bảo Đăng nghe như vậy).

Còn nhiều chuyện lạ lùng kỳ bí khác nữa nhưng vì giới hạn của quyển sách nên Bảo Đăng xin được ngưng lại ở nơi đây để chuẩn bị bước qua một chương kế tiếp.

5/5 - (15 bình chọn)

Viết một bình luận